Bức tượng Phật khổng lồ nằm thu mình trong vách đá tại Con đường tơ lụa
Du khách nếu có dịp bước chân trên Con đường tơ lụa huyền thoại, nằm gần thị trấn Bamiyan ở Afghanistan thì có thể chiêm ngưỡng thấy hai khoảng trống lớn do hai bức tượng Phật đồ sộ trên mặt vách đá của một ngọn núi sa thạch.
Vào năm 2001, những bức tượng gần 1.500 năm tuổi đã bị Taliban cho nổ tung. Hành động bạo lực này làm rung chuyển toàn thế giới và tạo ra một tiền lệ đáng lo ngại mà các chiến binh Nhà nước Hồi giáo ở Trung Đông đã bắt chước trong những năm gần đây.
Trong một thời gian dài, Phật giáo là một tôn giáo quan trọng ở tiểu lục địa Ấn Độ và Trung Á, được du nhập vào đầu thời kỳ Kushan thế kỷ thứ nhất. Dọc theo Con đường Tơ lụa, nơi có Bamiyan tọa lạc, là một số tu viện Phật giáo, nhà nguyện và khu bảo tồn được xây dựng bên trong các hang động được khoét sâu trong núi. Trong một số hang được nối với nhau bằng các phòng trưng bày và vẫn còn sót lại những bức tranh tường và tượng Phật ngồi.
Bức tượng Phật khổng lồ nằm thu mình trong vách đá tại Con đường tơ lụa
Hai bức tượng nổi bật nhất là tượng Phật khổng lồ bị phá hủy vào năm 2001. Bức tượng lớn hơn cao 53 mét và là một trong những tượng Phật đứng lớn nhất trên thế giới. Bức tượng thứ hai cũng rất lớn và cao 36 mét.
Cả hai hình đều được chạm khắc vào sâu bên trong vách đá để tạo độ nổi khối. Phần thân chính được đẽo trực tiếp từ vách đá sa thạch, nhưng các chi tiết được tạo mô hình bằng bùn trộn với rơm, phủ bằng vữa. Lớp phủ này đã bị mòn từ lâu, nhưng trong những ngày đầu, nó giúp làm nổi bật các biểu cảm trên khuôn mặt, bàn tay và các nếp gấp của áo choàng.
Cả hai bức tượng ban đầu đều được sơn bên ngoài, bức tượng lớn hơn màu đỏ son và bức nhỏ hơn có nhiều màu khác nhau. Khu vực gần đầu của cả hai bức tượng và khu vực xung quanh chân của tượng Phật lớn được chạm khắc theo hình tròn, cho phép những người thờ tượng đi lại xung quanh như một hình thức thờ cúng.
Phần lớn những gì chúng ta biết về các tác phẩm điêu khắc Phật hoành tráng đến từ chuyến du hành của nhà sư Trung Quốc Huyền Trang, người đã du hành đến Bamiyan vào thế kỷ thứ 7. Huyền Trang mô tả Bamiyan là một trung tâm Phật giáo hưng thịnh với hơn mười tu viện và hơn một nghìn nhà sư.
Ông cũng lưu ý rằng cả hai tượng Phật đều được phủ một màu vàng rực rỡ và được trang trí bằng những viên đá quý. Các tác phẩm điêu khắc về Đức Phật được chạm khắc vào vách đá từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên. Chúng có lẽ là những địa danh văn hóa nổi tiếng nhất của khu vực thu hút nhiều khách hành hương từ khắp nơi.
Bức tượng Phật cao 53 mét ở Bamiyan, Afghanistan, bị phá hủy vào năm 2001. Ảnh: Đại sứ quán Afghanistan
Sau cuộc xâm lược của người Hồi giáo vào thế kỷ thứ 9, sự hiện diện của một biểu tượng văn hóa Phật giáo lớn ở Afghanistan đã khiến các nhà cai trị Hồi giáo vô cùng lo lắng. Hoàng đế Mughal thế kỷ 17, Aurangzeb, và vua Ba Tư thế kỷ 18 Nader Afshar, cả hai đều cố gắng phá hủy các bức tượng bằng cách sử dụng pháo hạng nặng nhưng không gây ra thiệt hại đáng kể nào. Chính vua Afghanistan Abdur Rahman Khan cuối cùng đã phá hủy được khuôn mặt của nó.
Năm 2001, thủ lĩnh của phong trào Taliban đã ra lệnh phá hủy tất cả các bức tượng và đền thờ phi Hồi giáo ở các khu vực khác nhau của Tiểu vương quốc Hồi giáo. Theo đó, vào tháng 3 cùng năm, các chiến binh Taliban đã đặt chất nổ vào chân và vai của hai tượng Phật rồi cho nổ tung thành từng mảnh.
Sau đó trong một cuộc phỏng vấn, thủ lĩnh tối cao của Taliban Mullah Omar đã nói: "Tôi không muốn phá hủy tượng Phật Bamiyan. Trên thực tế, một số người nước ngoài đã đến gặp tôi và nói rằng họ muốn tiến hành công việc sửa chữa tượng Phật Bamiyan đã bị hư hỏng nhẹ do mưa.
Điều này làm tôi sốc. Tôi nghĩ, những con người nhẫn tâm này không đếm xỉa gì đến hàng ngàn con người đang sống - những người dân Afghanistan đang chết đói, mà họ lại quan tâm đến những vật không sống như Đức Phật. Điều này thật đáng trách. Đó là lý do tại sao tôi ra lệnh phá hủy nó. Nếu họ đến vì công việc nhân đạo, tôi sẽ không bao giờ ra lệnh tiêu diệt Đức Phật".
Không có nhận xét nào